CÓ HAY KHÔNG GIẤC MƠ TRẺ MÃI KHÔNG GIÀ?

CÓ HAY KHÔNG GIẤC MƠ TRẺ MÃI KHÔNG GIÀ?

Bạn có sợ già không? 

Dù bạn là ai, mình cũng chắc chắn rằng câu trả lời của bạn sẽ là CÓ. Mỗi người có lý do riêng để sợ già, nhưng thường đối với phụ nữ, nỗi sợ tuổi già luôn liên quan mật thiết đến vẻ bề ngoài.

Già đi là một phần của quy luật của tự nhiên: sinh, lão, bệnh, tử. Trên thực tế, con người chỉ phát triển cho đến tuổi trưởng thành, sau đó bắt đầu già đi. Nhìn từ góc độ tiến hóa, con người sau khi đã trưởng thành và sinh con đẻ cái thì không còn mấy giá trị với sự duy trì và tiến hóa giống loài. Hơn nữa, sự ra đi của thế hệ trước còn là để giảm áp lực cạnh tranh nguồn thức ăn với thế hệ con cái. Vì thế mà gene sống lâu không được tự nhiên chọn lọc. (Mặc dù vậy, vẫn có một số loài sinh vật như tôm hùm chẳng hạn, chúng không hề già đi mà chết vì lý do khác như dịch bệnh, kẻ thù, tai nạn).

Lão hóa là một quá trình phức tạp và đồng bộ. Quá trình này xảy ra ở mức tế bào, đến các mô rồi toàn bộ cơ thể. Chúng ta vẫn biết rằng lối sống khoa học, các thành phần mỹ phẩm và công nghệ phù hợp có thể ảnh hưởng tích cực đến việc đẩy lùi tuổi tác. Nhưng dù chúng ta có cố gắng đến bao nhiêu thì cũng chỉ có thể làm quá trình lão hóa chậm đi chứ không thể bắt nó dừng lại! Vì sao lại như vậy?

Năm 1961, nhà giải phẫu người Mỹ Leonard Hayflick đã phát hiện các tế bào chỉ có thể phân chia được khoảng 50 lần là ngừng, sau đó bắt đầu già và chết dần đi. Đây được gọi là giới hạn Hayflick. Lý do là phần đầu mút bảo vệ nhiễm sắc thể bị ngắn dần sau mỗi lần phân chia, đến khi chúng trở nên quá ngắn thì việc phân chia bắt buộc phải dừng lại. Và cũng sau đó, các nhà khoa học phát hiện ra một loại enzyme là enzyme telomerase có khả năng bổ sung các phần bị mất cho các đầu mút. Enzyme này có trong tế bào sinh sản (tinh trùng, trứng) và tế bào gốc, và chính là nguyên nhân làm cho chúng có khả năng sinh sôi gần như bất tử. 

Vì thế, về mặt lý thuyết có thể ngăn chặn được quá trình lão hóa tế bào bằng cách cung cấp cho nó lượng enzyme telomerase cần thiết. Nhưng cũng phải chú ý rằng, chính enzyme này là nguyên nhân khiến cho các tế bào ung thư sinh sản liên tục. Bên cạnh đó, một số loại tế bào như tế bào thần kinh còn không bao giờ phân chia. Bởi thế, ứng dụng enzyme telomerase để ngăn ngừa lão hóa cần phải được nghiên cứu thêm.

Các nhà khoa học cũng đang tích cực nghiên cứu các công nghệ tiềm năng như liệu pháp gene (kỹ thuật đưa DNA vào tế bào thay thế cho gene bị lỗi) hay liệu pháp tế bào gốc (phương pháp đã tạo ra chú cừu nhân bản Dolly trong lịch sử),… Mặc dù còn nhiều vấn đề phức tạp nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tin rằng, trong tương lai sẽ có những biện pháp hữu hiệu làm chậm đáng kể quá trình lão hóa.