NGỦ NHƯ THẾ NÀO ĐỂ CÓ LÀN DA ĐẸP?

NGỦ NHƯ THẾ NÀO ĐỂ CÓ LÀN DA ĐẸP?

Đêm là thời gian tốt nhất để để da trao đổi chất, quá trình lưu thông máu cũng dễ dàng nhất, giúp da được cung cấp đầy đủ dưỡng chất. Đây cũng là thời điểm mà da không phải chịu nhiều tác động của môi trường ngoài (khói bụi, UV,…), do đó làn da sẽ không cần phải quá tập trung vào chức năng bảo vệ mà sẽ tập trung vào tái tạo nhiều hơn. Mà da chỉ tái tạo hiệu quả nhất khi bạn đã ngủ sâu. 

Hơn nữa, thiếu ngủ sẽ khiến lượng glucose trong máu tăng cao, điều này sẽ tác động tiêu cực đến tái tạo tế bào, giảm tăng sinh nguyên bào sợi, làm chậm trễ quá trình phục hồi các tổn thương. Thiếu ngủ cũng làm lượng hormone cortisol (sinh ra bởi tuyến thượng thận) luôn ở mức cao, làm rối loạn quá trình chuyển hóa lipid, kích thích giải phóng nitric oxide, giảm hyaluronic acid, gây thoái hóa biểu mô nang, suy yếu lớp biểu bì, khiến da mất nước. 

Do đó ngủ đủ giấc và đảm bảo giấc ngủ sâu là vô cùng quan trọng. Hãy tập cho mình thói quen đi ngủ sớm, trước 23h và ngủ đủ 7 – 8 tiếng. Nếu bạn thường hay khó vào giấc ngủ, hãy thử các biện pháp như tập các bài yoga nhẹ nhàng, ngồi thiền, uống một ít nước ấm trước khi ngủ,…

Uống quá nhiều nước trước khi ngủ khiến hệ bài tiết phải làm việc nhiều, bạn có thể phải đi tiểu nhiều lần, làm gián đoạn giấc ngủ. Ngoài ra, khi chúng ta nằm ngủ thì sẽ khiến các lưu chất đọng lại trên mặt nhiều hơn là bị dẫn lưu bởi trọng lực khi đứng. Nên nếu bạn uống quá nhiều nước trước khi ngủ, bạn sẽ dễ gặp phải tình trạng khuôn mặt sưng húp, nhìn tròn xoe vào sáng hôm sau.

Melatonin là một hormone quan trọng, được tiết ra từ tuyến tùng. Khi trời bắt đầu tối, não bộ được báo hiệu bởi sự thay đổi của ánh sáng, giải phóng melatonin, kích thích cảm giác buồn ngủ. Chính vì thế mà melatonin cũng được sử dụng để điều trị các trường hợp rối loạn giấc ngủ. 

Đối với làn da, melatonin cũng đóng vai trò rất đặc biệt. Melatonin không chỉ giúp ngủ ngon giấc, thuận lợi cho quá trình tái tạo da mà bản thân nó cũng kích thích cơ thể sản xuất các enzyme kháng oxy hóa tự nhiên. Các enzyme này sẽ trung hòa các gốc tự do, khắc phục những thương tổn của da vào ban ngày và ngăn ngừa lão hóa. Và, theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Drugs in Dermatology, những chất chống oxy hóa tạo ra melatonin này có hiệu quả hơn so với vitamin C và E.

Do đó, khi chuẩn bị đi ngủ, hãy tắt hết các đèn, không sử dụng các thiết bị điện tử vì ánh sáng xanh từ chúng ảnh hưởng đến việc sản sinh melatonin. Các chuyên gia khuyên rằng chúng ta tốt nhất nên ngủ hoàn toàn trong bóng đêm, còn nếu bạn thực sự không thể quen được, hãy dùng đèn ngủ ánh sáng dịu nhất có thể nhé. 

Thời gian ngủ trung bình của một đời người có thể lên đến 25 năm. Quãng thời gian dài này chứng minh tư thế ngủ cũng ảnh hưởng đến dáng người, cấu tạo xương và làn da. 

Tư thế ngủ tốt nhất cho cơ thể và làn da là nằm ngửa, thẳng lưng, thả lỏng cơ thể. Lúc này da của bạn sẽ không chịu phải bất kỳ áp lực nào, tránh tạo nếp nhăn, đồng thời các dưỡng chất cũng được lưu giữ “ngay ngắn” trên da. Còn nếu bạn lại rất ưa thích dáng ngủ khác, như nằm nghiêng chẳng hạn, lời khuyên tốt nhất là bạn nên cố gắng tập để quen dần với nằm ngửa. Nếu bạn vẫn muốn nằm nghiêng, nên lật đều cả hai bên. Ngoài ra, bạn cũng không nên dùng gối cotton mà thay vào đó là gối lụa hay satin, vì hai chất liệu này ít hút ẩm hơn và tạo mặt phẳng dễ chịu để da có thể tựa mà không bị áp lực gì cả. Còn nếu bạn thích nằm sấp thì bạn nhất định phải từ bỏ. Bởi nằm sấp sẽ khiến da bị bí, đặc biệt là vùng da quanh mắt, khiến bạn dễ thức dậy với đôi mắt sưng húp. Lượng ẩm trên da và mỹ phẩm skincare cũng bị bám vào gối một phần, đồng thời nếu gối không được vệ sinh thường xuyên thì chẳng khác nào đang nạp chất bẩn vào mặt.